Steve Jobs là ai mà ông có tầm ảnh hưởng lớn đến nhân loại trong thế kỷ 21 như thế. Cuộc đời Steve Jobs đã làm được nhiều bước tiến đột phá trong nhiều ngành công nghiệp bởi tài năng và phẩm chất khác biệt của chính con người ông.
Vậy Steve Jobs là người như thế nào? cuộc đời của ông ra sao? hãy cùng học hỏi những điều tốt của ông qua bài viết này nhé.
Steve Jobs là ai?
Nếu nhắc đến một đế chế công nghệ có giá trị hàng đầu thế giới, người ta sẽ nghĩ ngay đến Apple. Nhắc đến Apple, không ai có thể quên được cha đẻ của nhà táo khuyết, người đồng sáng lập Apple Steve Jobs.

Với Apple, Steve Jobs đã tự mình thay đổi xu hướng công nghệ của cả một thời đại, đặt ra những tiêu chuẩn mới cao hơn, khắt khe hơn cho các sản phẩm công nghệ của thế giới trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ hiện đại.
Steve Jobs là một tấm gương về những nỗ lực vượt qua khó khăn, lao động sáng tạo để vươn lên khẳng định giá trị của bản thân. Với tính cách khác biệt, với những triết lý kinh doanh độc đáo và luôn hướng đến chủ nghĩa hoàn hảo, Steve Jobs đã tạo nên một Apple khác biệt với những dòng sản phẩm cao cấp, đem lại cho người tiêu dùng những trải nghiệm công nghệ tuyệt vời nhất.
Tóm tắt Tiểu sử Steve Jobs
Cuộc đời Steve Jobs từ một đứa bé bị bỏ rơi
Steve Jobs là kết quả của mối quan hệ giữa một cô sinh viên gốc Đức và một trợ giảng đến từ Syria. Mối quan hệ của họ không được gia đình ủng hộ, do những tư tưởng về tôn giáo khác biệt giữa hai bên. Do đó, khi mẹ đẻ của Steve Jobs biết tin mình có thai, bà đã quyết định làm thủ tục để một gia đình khác nhận con nuôi. Vì nguồn gốc gia đình danh giá, yêu cầu của bà là con của mình cần phải được gửi vào một gia đình có trình độ đại học.
Tuy nhiên, cuộc sống không dễ dàng an bài như thế. Cặp vợ chồng luật sư định nhận nuôi Steve Jobs lại muốn nhận con gái, nhưng khi họ biết được đứa trẻ họ sẽ nhận là con trai, họ đã từ chối ký vào quyết định nhận con.
Như vậy, trước khi ra đời, Steve Jobs đã bị từ chối hai lần, lần đầu là chính cha mẹ đẻ của mình, và lần thứ hai là một cặp vợ chồng khác từ chối. Cuối cùng, cậu bé này được một cặp vợ chồng bình thường nhận nuôi, với người cha là thợ cơ khí đã bỏ học từ cấp ba, và người mẹ là một kế toán viên.
Đây chính là bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời của Steve Jobs. Nếu như được cha mẹ đẻ giữ lại ngay từ đầu, có lẽ cuộc sống của Steve Jobs sẽ là những tháng ngày bình lặng, với những tháng ngày giàu sang nhung lụa, và có thể chúng ta ngày hôm nay đã không biết đến Apple.

Nhưng vì được gửi vào một gia đình không có điều kiện về kinh tế, với một người cha đam mê máy móc kỹ thuật, những kiến thức đầu tiên đã được hình thành trong tâm trí của cậu bé Steve Jobs.
Bị bỏ rơi và được nhận nuôi, chính điều này đã góp phần hình thành nên nét tính cách đặc biệt ở Steve Jobs. Những người bạn thân của Steve Jobs nhìn nhận điều này theo nhiều cách khác nhau. Một số ý kiến cho rằng, ý nghĩ mình là con nuôi đã để lại những tổn thương trong lòng Steve Jobs, khiến Steve Jobs mong muốn kiểm soát hoàn toàn mọi thứ mà ông làm, nhìn nhận mọi thứ xung quanh như một phần không thể thiếu của cá nhân ông.
Còn theo chia sẻ của chính Steve Jobs, nỗi đau bị bỏ rơi giúp bản thân ông tự lập hơn, và tính tự lập đó đã được hình thành ngay từ khi ông còn là một cậu bé. Steve Jobs đã lựa chọn cho mình một con đường hoàn toàn khác biệt, một tâm lý và tính cách “dị thường”, đó chính là nền tảng cho suy nghĩ và hành động của ông.
Steve Jobs bỏ học và thành lập công ty
Cha nuôi của Steve Jobs đã cố gắng truyền cảm hứng và tình yêu với nghề cơ khí và sửa chữa ô tô cho Steve Jobs, nhằm mong muốn cậu con trai của mình có thể hình thành nền tảng cho công việc sau này.
Tuy nhiên, cậu bé Steve lại tỏ ra chẳng mấy thích thú với nghề cơ khí, thay vào đó, cậu thích vào gara nói chuyện với cha mình hơn. Nhờ những chiếc xe hơi đó, Steve Jobs đã có những trải nghiệm đầu tiên liên quan đến điện tử cũng như những nguyên lý cơ bản về nó.
Cuộc sống xung quanh của Steve Jobs cũng đã cho ông những trải nghiệm tuyệt vời. Cha ông là một người biết thương lượng về giá cả, và hiểu giá trị của những sản phẩm ông làm ra hơn bao giờ hết.
Ngôi nhà của ông ở ngày thơ ấu cũng giống như những ngôi nhà xung quanh khác, do một chủ đầu tư bất động sản xây dựng, có thiết kế trang nhã và thân thiện. Đây là nền tảng nuôi dưỡng những ý tưởng sáng tạo, những thiết kế tinh tế mà Steve Jobs sẽ đưa vào sản phẩm của mình sau này.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Steve Jobs theo học tại Reed College, nhưng chỉ sau một kỳ ông đã phải bỏ học vì học phí quá cao. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn, Steve Jobs vẫn kiên trì dự thính các lớp học, đặc biệt là lớp học thư pháp.

Gặp được Wozniak tại một câu lạc bộ máy tính, hai người đã quyết định cùng nhau hợp tác làm ăn. Năm 1976, Apple được hai người đồng sáng lập, tập trung vào sản xuất và đưa ra thị trường chiếc máy tính cá nhân đầu tiên.
Wozniak là một kỹ sư thực sự tài năng, và tài năng đó đã được sử dụng triệt để trong công ty mà Steve Jobs và Wozniak cùng nhau thành lập. Trong khi Wozniak phụ trách mảng kỹ thuật, Steve Jobs đảm nhiệm công việc kinh doanh và quảng bá cho sản phẩm.
Sản phẩm máy tính đầu tiên của Apple được tung ra thị trường ngay năm đầu tiên, và chỉ 4 năm sau khi Apple ra đời, cả hai nhà sáng lập đã trở thành triệu phú.
Thành công nối tiếp những thành công. Chính Steve Jobs đã vực dậy Hãng phim hoạt hình Pixar, sau đó bán lại cho Disney với giá 7,4 tỷ USD. Cũng chính ông đã quay lại đưa Apple lên đến thời kỳ đỉnh cao khi công ty rơi vào khủng hoảng. Tính tự lập được rèn giũa từ nhỏ, sự quyết đoán và khác biệt trong phong cách lãnh đạo của Steve Jobs chính là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa thành công cho bản thân ông cũng như những công ty mà ông lãnh đạo.
Steve Jobs mất năm nào? Steve Jobs mất vì bệnh gì?
Ngày 5/10/2011, Steve Jobs, nhà đồng sáng lập – người giữ “linh hồn” của tập đoàn Apple, qua đời sau một cuộc chiến kéo dài với căn bệnh ung thư tuyến tụy ở tuổi 56.
Steve Jobs là người như thế nào?
Steve Jobs được cho là “Gàn dỡ”, “lập dị”
Bạn sẽ tưởng tượng điều gì về những tỷ phú, doanh nhân hàng đầu thế giới? Quý trọng nhân tài như Steve Jobs, hòa nhã trong các mối quan hệ như Warren Buffett, hay quyết đoán như Elon Musk? Có lẽ là tất cả chúng ta sẽ đều hy vọng Steve Jobs cũng là một người có những tính cách đó phải không? Nhưng theo lời nhận xét của những người đã từng tiếp xúc với cựu CEO của Apple này, Steve Jobs là một người hoàn toàn khác biệt với những tỷ phú mà chúng ta thường thấy, thậm chí là “gàn dở”.
Theo ý kiến của Guy Kawasaki, một quản lý từng làm việc cho Apple, “Apple chính là Steve Jobs với 1000 cuộc đời”. Mặc dù Steve Jobs còn có một mảng kinh doanh khác tại Pixar (sau này thuộc về Walt Disney), Apple chính là một phương tiện hoàn hảo để giúp Steve Jobs hiện thực hóa giấc mơ của mình: phát triển những công nghệ dễ dàng sử dụng cho tất cả mọi người. Với Apple, Steve Jobs đã xây dựng một tập đoàn với bản sắc hoàn toàn khác biệt so với các doanh nghiệp khác.
Apple dưới thời Steve Jobs là một tập đoàn được điều hành với triết lý kết hợp giữa nghệ thuật không thỏa hiệp và khả năng đàm phán kinh doanh siêu hạng. Nghệ thuật quản lý của Steve Jobs giống như của một nghệ sĩ hơn là một doanh nhân. Nhưng thay vì là một người nghệ sĩ loay hoay tìm cho mình một chỗ đứng vững chắc trên thị trường, Steve Jobs có thể dễ dàng khẳng định được vị thế của mình bằng cách tạo ra sự khác biệt.

iPhone của Apple chưa bao giờ là đầu tàu về công nghệ, thậm chí còn có giai đoạn đi sau các hãng điện thoại khác, nhưng chính Apple của Steve Jobs đã tạo ra những tiêu chuẩn, những chuẩn mực để những hãng công nghệ khác phải học tập theo. Người ta có thể chê một chiếc điện thoại của Samsung, của Oppo hay Huawei vì những lỗi nhỏ, nhưng không ai có thể chê một chi tiết nào của iPhone.
Thông thường, những cuốn sách viết về cuộc đời của những doanh nhân nổi tiếng thường sẽ ca ngợi tính cách của họ ở một khía cạnh nào đó, nhưng những cuốn sách tiểu sử của Steve Jobs lại vẽ lên một chân dung không mấy đẹp đẽ về ông, thậm chí còn bị coi là “thô lỗ” về một con người được cả thế giới kính trọng. Có nhận xét còn chỉ ra rằng Steve Jobs còn theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo đến mức “đồng bóng”.
Dưới ngòi bút của các tác giả, hình ảnh Steve Jobs hiện ra như là một con người với những ham muốn bình thường, không thể kiểm soát cảm xúc của mình nhưng lại muốn kiểm soát và thống trị người khác, thường xuyên nổi nóng, và nhiều lúc là xỉ vả và hạ thấp danh dự của người khác. Nếu làm cho Steve Jobs, bạn có thể sẽ không biết mình sẽ bất thình lình bị sa thải lúc nào, hay có thể chịu đựng được tính cách của vị danh nhân này đến khi nào.
Đối với mọi người, tính cách của Steve Jobs là một nỗi ám ảnh thực sự với những người làm việc với ông, nhưng những sở thích và nét tính cách kỳ quái này, chủ nghĩa tôn thờ sự hoàn hảo, sùng bái bản thân lại chính là kim chỉ nam, là chìa khóa thành công của Steve Jobs. Không được học hành đầy đủ, nhưng Steve Jobs vẫn được coi là một thiên tài, thiên tài trong quản lý, điều hành và thậm chí là trong các mối quan hệ với đối tác.
Steve Jobs là một con người có tài năng xuất chúng, và ông thường tự cao cho rằng phần lớn mọi người là những kẻ đần độn hơn mình. Nhưng cũng chính con người ấy đã tạo ra những sản phẩm thông minh và hoàn hảo để những người thiếu hiểu biết nhất về công nghệ cũng có thể sử dụng dễ dàng. Là một người có tính cách dễ giận dữ và nóng nảy, dễ giận dữ nhưng chính Steve Jobs lại là người thiết lập được mối quan hệ hợp tác tốt đẹp với những thiên tài sáng tạo tầm cỡ của thế giới.
Steve Jobs theo chủ nghĩa hoàn hảo
Tính cách không khoan nhượng của vị giám đốc điều hành Apple đã hình thành nên một cách phát triển và tiếp cận sản phẩm độc đáo của nhà Táo khuyết. Dưới sự điều khiển của Steve Jobs, một vòng tuần hoàn liên tục được tạo ra giữa mô hình và sản phẩm mẫu, và những sản phẩm này không ngừng được sửa chữa và hoàn thiện thông qua đội ngũ chuyên gia của Apple.
Tất cả các kỹ sư, lập trình viên, chuyên gia thiết kế và người chỉ đạo đều phải tham gia vào quá trình này. Ngay cả khi mọi công đoạn đều phải lật lại từ đầu để giải quyết, tất cả mọi người cùng phải có trách nhiệm thực hiện.
Một sản phẩm hoàn hảo bắt đầu từ vẻ ngoài hoàn hảo, và Apple của Steve Jobs đã theo đuổi sự hoàn hảo đó ngay từ khâu thiết kế. Với quan niệm của ông, thiết kế không chỉ là vẻ bề ngoài, không phải là lớp vỏ bọc trang trí cho sản phẩm.

Thiết kế thực sự là một chức năng, một cách thức hoạt động của sản phẩm, và bắt đầu của thiết kế chính là tính thẩm mỹ. Không có khả năng thiết kế hoàn mỹ nhất, nhưng Steve Jobs có khả năng thuyết phục nhà thiết kế giỏi nhất về làm việc cho mình.
Từ Steve Jobs, chúng ta có thể thấy một con người không nhượng bộ, luôn đòi hỏi sự hoàn thiện đến mức tuyệt đối, từ phần cứng đến phần mềm của sản phẩm. Steve Jobs cũng là một người rất cẩn thận, khi bất cứ một thay đổi nào, cho dù là nhỏ nhất, cũng cần phải được ông thông qua.
Ở những sản phẩm của Apple, chúng ta có thể thấy được sự sang trọng và hoàn hảo trong thiết kế bên ngoài, giao diện thân thiện và dễ dàng sử dụng, hệ sinh thái phong phú và đa dạng, độ tối ưu tốt cũng như tính thời thượng của sản phẩm. Tất cả là nhờ công lao to lớn của Steve Jobs trong việc định hình chiến lược cho công ty.
Bản thân Steve Jobs không phải là một người hoàn hảo, thậm chí là ông đã vấp phải không ít những biến cố, những thất bại trong cuộc sống và công việc. Nhưng Steve Jobs không đem những sự thiếu hoàn hảo đó vào trong sản phẩm của Apple, những đứa con tinh thần của ông. Chính sự cầu toàn đó đã tạo nên nét đặc sắc trong tính cách của Steve Jobs, và đó cũng chính điều làm nên sự khác biệt của tập đoàn hàng đầu thế giới Apple.
Sự nghiệp của Steve Jobs
Steve Jobs cùng với Woznial thành lập Apple vào những năm 70 của cuối thế kỷ 20, khi đó Steve Jobs mới chỉ 21 tuổi. Cuối thập kỷ 70, đầu thập kỷ 80, khi cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, Apple cũng đã tham gia vào đó với việc sản xuất ra những chiếc máy tính thương hiệu Apple đầu tiên.
Chẳng bao lâu sau khi thành lập, năm 1980, hai người sáng lập Apple đã trở thành tỷ phú. Không chỉ vậy Steve Jobs còn thuyết phục được giám đốc điều hành của Pepsi vào lúc bấy giờ là John Sculley về làm việc dưới trướng tập đoàn của mình. Tuy nhiên, do một số mâu thuẫn nội bộ trong đội ngũ lãnh đạo của Apple mà Steve Jobs đã tách ra thành lập công ty máy tính riêng lấy tên là NeXT.

Mãi đến năm 1996, khi Apple tuyên bố mua lại NeXT, Steve Jobs mới trở lại công ty mà chính ông là người đồng sáng lập. Lúc này, Apple đang trong giai đoạn khủng hoảng nhất khi vấn đề về vốn, nhân sự cũng như công nghệ. Nếu không có những bước đi thích hợp, có thể sẽ không bao giờ Apple có thể được vực dậy và trở lại thành một đế chế công nghệ như ngày hôm nay.
Với nền tảng công nghệ từ NeXT, Steve Jobs đã áp dụng nó vào các sản phẩm của Apple, mà mở đầu là hệ điều hành Mac OS X. Kế đó là một loạt các sáng chế mang tính thương hiệu của Apple, có thiết kế đầy sức cuốn hút, bao gồm iMac, iPod, phần mềm iTunes và iTune Store. Bước ngoặt của Apple chính là sự ra đời của chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007. Từ đây, Apple đã bước sang một trang mới trong quá trình phát triển của mình.
Không phải ai mà chính là Steve Jobs đã tái cơ cấu Apple, một con tàu khổng lồ nhưng hoạt động sai chức năng thành một hệ thống nhỏ gọn hơn, tập trung vào thế mạnh của mình. Những kỷ luật, những tiêu chuẩn khắt khe được đặt ra, Steve Jobs đòi hỏi mọi thứ phải được vận hành một cách trơn tru và hoàn hảo nhất.
Khi quay trở lại Apple, Steve Jobs trở thành một nỗi ác mộng của những nhân viên vào thời điểm đó, vì họ có thể bị đuổi việc bất cứ lúc nào, ngay cả khi gặp Steve Jobs trong thang máy.
Apple, gã khổng lồ của Thung lũng Silicon, đã vượt qua khủng hoảng để vươn lên mạnh mẽ, lấy lại vị thế vốn có của mình. Apple mà chúng ta thấy ngày hôm nay đã vượt qua phạm vi của một quốc gia, trở thành một tập đoàn khổng lồ với hàng ngàn nhân viên, trải rộng trên khắp các châu lục.
Công nghệ được Apple sử dụng là công nghệ tối ưu nhất, tốt nhất cho mọi người tiêu dùng. Các sản phẩm của Apple là sự kết hợp giữa công nghệ cao, thiết kế thời thượng và khả năng quảng bá hiệu quả. Đa số người tiêu dùng đều nhận xét rằng sau khi sử dụng sản phẩm của Apple, họ hoàn toàn không muốn chuyển sang sử dụng sản phẩm của các hãng công nghệ khác.
Có thể nói rằng, nếu không có một Steve Jobs thiên tài và quái dị, chúng ta sẽ không thấy một Apple hùng mạnh như ngày hôm nay. Cha đẻ của Apple đã định hình và vẽ ra một con đường phát triển khác biệt nhưng hoàn hảo cho Apple, để mỗi sản phẩm iPhone, iPad, MacBook, iPod,… mà chúng ta sử dụng ngày hôm nay đem lại trải nghiệm tuyệt vời nhất.
5 Bài học thành công từ Steve Jobs
Để xem những câu nói hay của Steve Jobs, truy cập bài viết: Những câu nói hay về kinh doanh
1. Nói không với những thứ bình thường
Người ta hay gọi Steve Jobs là “Ngài nói không”, và chính việc từ chối những ý kiến bình thường, những nhân viên bình thường hay những hướng đi bình thường đã giúp Steve Jobs tạo nên những điều phi thường.
Steve Jobs quay trở lại Apple trong giai đoạn khủng hoảng nhất cả tập đoàn này. Khi đó, thế mạnh của Apple là máy tính cá nhân đã bị Microsoft vượt qua và chiếm ưu thế hơn. Các mảng kinh doanh của Apple dàn trải quá nhiều, từ máy in phun đến điện thoại di động. Một vài sản phẩm đang dẫn đầu, nhưng những sản phẩm máy tính của Apple lại đang thất bại.
Các dòng sản phẩm lại có theo sau hàng loạt các phiên bản khác nhau, với những tên gọi rắc rối khiến ngay cả giám đốc điều hành cũng không thể phân biệt được. Chiến lược quảng cáo sản phẩm của Apple cũng không hợp lý, thêm vào đó là cấu trúc tổ chức rơi vào tình trạng khá lộn xộn.
Ngay từ những ngày đầu quay trở lại Apple, Steve Jobs đã bắt tay vào thay đổi mọi mặt của công ty. Steve Jobs tiến hành một cuộc điều tra, tìm ra những giá trị cốt lõi, những điểm mạnh và những mặt cần phải được phát triển của Apple.

Và cuối cùng, Steve Jobs đã đưa ra quyết định cắt giảm: cắt giảm nhân sự và cắt giảm các dòng sản phẩm Apple sản xuất. Chỉ những người thực sự có tài năng, và các sản phẩm thực sự thuyết phục được vị CEO khó tính này mới được giữ lại, còn tất cả sẽ bị cắt giảm và loại bỏ.
Việc này giúp đơn giản hóa bộ máy và nâng cao tính chuyên môn hóa của Apple. Thay vì dàn trải sản xuất tất cả, giờ đây, Apple chỉ tập trung vào những lĩnh vực thế mạnh của mình.
2. Đi ngược lại quan điểm của mọi người
Tuy nhiên, có một ngoại lệ trong chiến dịch cắt giảm của Steve Jobs, đó chính là việc loại bỏ điện thoại cầm tay Newton ra khỏi hệ thống sản xuất. Hành động này của Steve Jobs đã vấp phải sự phản đối của rất nhiều người tiêu dùng, thậm chí họ còn treo áp phích và sử dụng loa phóng thanh để phản đối. Những điều này không làm lay chuyển được Steve Jobs.
Ông cho rằng Apple nên tập trung vào máy tính hơn là bị sao lãng bởi các sản phẩm khác, những chiếc máy tính có thiết kế và chất lượng tốt sẽ giúp Apple thu được những khoản lợi khổng lồ.

Một nguyên tắc khác được Steve Jobs áp dụng ở Apple đó là không bao giờ có mức giá cạnh tranh. Apple luôn chịu áp lực từ thị trường với việc phải tung ra những chiếc máy tính giá rẻ, nhưng Steve Jobs nói không với yêu cầu đó.
Khi các hãng máy tính lớn khác đang trong cuộc cạnh tranh với nhau trên thị trường máy tính cá nhân bằng chiến lược giá, Apple lại đi một hướng riêng biệt, sản xuất ra những sản phẩm tốt nhất, hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp nhất và thu lại được nhiều lợi nhuận nhất.
Và thực tế đã chứng minh là Apple đã đúng. Năm 2007, trong khi dòng máy tính của Dell chiếm đến 30% thị phần của toàn nước Mỹ, Apple mới là hãng sản xuất có khoản lợi nhuận cao nhất. Trong khi Dell bán số máy tính nhiều gấp 5 lần Apple, khoản lợi nhuận của hãng này chỉ bằng xấp xỉ 1/300 lần lợi nhuận của nhà Táo. Đó quả là một con số ấn tượng.
Cho đến hiện nay triết lý kinh doanh đó của Apple dưới thời Tim Cook vẫn không hề thay đổi. Trong khi các hãng điện thoại giá rẻ đang mọc lên như nấm, đe dọa chiếm lĩnh thị phần và soán ngôi Apple, Apple vẫn kiên định theo hướng đi của mình. Và nhờ vào sự kiên định đó, Apple đã, đang và sẽ vẫn giữ vững ngôi vương trên thị trường toàn cầu.
3. Chủ nghĩa hoàn hảo của Steve Jobs
Là một người theo đuổi sự hoàn hảo đến cực đoan, Steve Jobs cũng muốn đội ngũ nhân viên của mình là những người ưu tú nhất. Đối với Steve Jobs, mọi thứ cần phải đạt được đến cái “nhất”: những người bán hàng giỏi nhất, những kỹ sư tốt nhất, những lập trình viên xuất sắc nhất, và những thiết kế thông minh nhất.
Tất nhiên, để duy trì được đội ngũ này trong tập đoàn, Steve Jobs cũng phải trao cho họ nhiều đặc quyền ở Apple. Do vậy, mặc dù phải làm việc với một vị giám đốc với tính cách đáng sợ và quái dị, rất nhiều người vẫn muốn đầu quân cho Apple, làm việc dưới trướng vị CEO thiên tài này.

Trong khi nhiều doanh nghiệp lớn khi mở rộng quy mô ra toàn cầu, họ sẽ tuyển mộ thêm nhiều nhân viên, đặc biệt là những nhân viên tài giỏi, thì ở Apple, Steve Jobs vẫn giữ nguyên bộ khung gồm những chuyên gia “hạng A” chủ chốt này.
Đó chính là những người tài giỏi nhất, và cũng trung thành nhất với tập đoàn, họ là những người đứng sau hào quang thành công của Steve Jobs nói riêng và Apple nói chung. Làm việc cho vị CEO khó tính như Steve Jobs không phải là một việc quá dễ dàng, nhưng những cá nhân trụ lại ở Apple đều rất trung thành với tập đoàn.
Có thể nói rằng, Steve Jobs là một người có tài năng lãnh đạo xuất chúng. Với phong cách điều hành khác biệt, luôn hướng tới một bộ máy hoàn hảo nhất, Steve Jobs đã đưa Apple lên đến một đỉnh cao danh vọng mà tất cả mọi người đều ngưỡng mộ.
4. Tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ
Một chủ đề chưa bao giờ hết hot trong cuộc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hiện nay chính là tạo sự đổi mới để khác biệt. Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt đi kèm với chu trình sản xuất ngày càng gấp rút, các doanh nghiệp hiện nay đều gặp phải một khó khăn chung là tìm ra được chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa đổi mới. Nhiều công ty lựa chọn cho mình hướng đi là thuê một giám đốc phụ trách, định hình sự đổi mới của công ty.
Steve Jobs không coi trọng sự đổi mới được đóng khuôn như vậy. Ở Apple của Steve Jobs, không có một hệ thống nào giới hạn đổi mới sáng tạo trong một chiếc khung được định hình sẵn cả. Thậm chí, khi được phóng viên đặt câu hỏi rằng liệu trong tiềm thức của ông có từng suy nghĩ về sự đổi mới hay không, Steve Jobs đã không ngần ngại trả lời rằng ông chỉ nghĩ đến việc tạo ra các sản phẩm vĩ đại.
Đối với Steve Jobs, đổi mới hay sáng tạo đều không theo một khuôn phép nào hết. Không một nguyên tắc chung, không một tôn chỉ nào được đặt ra cho sự đổi mới ở Apple cả. Theo Jobs, việc hệ thống hóa sự sáng tạo “giống như một người không ngượng ngùng lại cố tỏ ra là ngượng ngùng”. Nếu sự sáng tạo bị giới hạn, nó không còn là sự sáng tạo nữa.

Nói như vậy không có nghĩa là Steve Jobs không có tinh thần đổi mới sáng tạo. Thực tế thì ông có một sự tôn thờ huyền bí dành cho sự đổi mới. Steve Jobs luôn ca ngợi những nhà phát minh và doanh nhân vĩ đại nhất, bao gồm có Henry Ford, Thomas Edison và Edwin Land, trong đó những phát minh của Ford và Edison đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người. Steve Jobs khát khao làm được điều đó.
Khi ngành công nghiệp sản xuất PC dần rơi vào suy thoái, Steve Jobs đã đề cập trên truyền hình về việc đổi mới để thoát khỏi khủng hoảng. Nhưng đổi mới ở đâu và đổi mới như thế nào luôn là một bí mật thú vị mà Apple sẽ giấu kỹ cho đến tận khi sản phẩm ra mắt.
Dưới sự lãnh đạo tài ba của Steve Jobs, Apple luôn đi đầu để gặt hái được những thành công, danh tiếng, và trở thành một trong những tập đoàn công nghệ có sự đổi mới mạnh mẽ nhất, tác động đến cả thị trường toàn cầu. Năm 2007, tờ Business Week đã bình chọn Apple là tập đoàn đổi mới mạnh mẽ nhất trên thế giới, đánh bại những ông trùm hàng đầu của giới công nghệ và kỹ thuật thế giới như Google, Toyota, Sony hay Nokia.
Có bốn sản phẩm của Apple là kết quả của sự sáng tạo đổi mới, điều đã tạo nên một cuộc cách mạng to lớn trong ngành công nghệ của thế giới, bao gồm: máy tính cá nhân Apple II, PC iMac, máy nghe nhạc cầm tay iPod và điện thoại thông minh iPhone. Đối với những người dùng cá nhân, những sáng tạo và đổi mới này là những trải nghiệm thực sự tuyệt vời cho họ, khiến cuộc sống của họ với công nghệ trở nên dễ dàng, tiện lợi và thú vị hơn bao giờ hết.
Sáng tạo bắt đầu từ đâu?
Đã từng có một thời gian, Apple của Steve Jobs gặp phải những khó khăn trong quá trình đổi mới của mình. Apple liên tục đổi mới và sáng tạo nhưng hầu như lại không thu được gì từ những sáng tạo của mình, và Apple bị coi như một phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển. Apple khi đó là một hãng sáng tạo, nhưng chính Dell hay Microsoft mới chính là những bên thu được khoản lợi khổng lồ nhờ những sáng tạo đó.
Những ý tưởng đổi mới sáng tạo chỉ thực sự thành công khi nó được thực thi. Lịch sử của ngành kinh doanh ghi nhận rằng các doanh nghiệp thành công nhất không phải là các doanh nghiệp có ý tưởng, mà là những doanh nghiệp có thể hiện thực hóa ý tưởng đó thành sản phẩm của mình. Bằng việc sử dụng ý tưởng sáng tạo của những doanh nghiệp khác, Dell hay Microsoft đã thu được những khoản lợi khổng lồ, trong khi Apple vẫn đang loay hoay tìm cách hiện thực hóa những sáng tạo của mình.
Nhưng nhờ có Steve Jobs, Apple đã thoát ra khỏi chiếc vỏ bọc “có tiếng mà không có miếng” trong nghiên cứu những công nghệ mới. Apple đã trở nên nổi bật nhờ việc thực thi hóa tất cả các sáng tạo của mình trên tất cả các mặt, từ sản phẩm, bán hàng, marketing đến hỗ trợ. Nhờ Steve Jobs mà lượng hàng tồn kho của Apple đã giảm đi đáng kể, thời gian lưu kho hàng hóa được rút ngắn, nhờ đó các sản phẩm công nghệ nhanh chóng đến được với tay khách hàng.
Và một thay đổi nữa của Apple chính là việc cung cấp các phần mềm độc quyền, bao gồm iTune Store, Mac OS, iOS hay App Store. Những phần mềm này chỉ tương thích với các sản phẩm phần cứng của Apple và không sử dụng được cho các hãng khác, nhờ đó, hiện tượng rò rỉ chất xám hay bị đánh cắp bản quyền, sao chép sản phẩm không xảy ra với Apple nữa. Những đổi mới của Apple trở nên độc quyền, và chỉ có khách hàng sử dụng sản phẩm của Apple mới có thể trải nghiệm được điều đó.
Nói tóm lại, Steve Jobs là một người có bộ óc sáng tạo, nhưng với lối tư duy khác biệt, ông đã đưa Apple đi theo một con đường riêng: sáng tạo, khác biệt và thành công.
5. Bài học quản lý thời gian
Tài sản thời gian chắc hẳn còn là một khái niệm xa lạ với không ít người chúng ta. Nói một cách đơn giản và dễ hiểu, tài sản thời gian là những việc làm ở hiện tại giúp chúng ta có thể tiết kiệm thời gian trong tương lai. Như ví dụ của Steve Jobs được đề cập đến ở trên, chúng ta có thể thấy việc Steve Jobs sắp xếp một hợp đồng mua bán lặp lại 6 tháng 1 lần sẽ giúp ông tiết kiệm được thời gian để đăng ký cho chiếc xe của mình, đồng thời tránh được nhiều rắc rối liên quan đến quy trình quản lý phương tiện giao thông.
Thực tế, chúng ta có thể gặp không ít những ví dụ về tài sản thời gian. Phần mềm là một ví dụ tiêu biểu cho tài sản thời gian: bạn viết một chương trình hoàn thiện, chương trình đó vừa có thể sử dụng ở hiện tại, vừa giúp bạn tiết kiệm được thời gian trong tương lai. Thay vì làm một chương trình hoàn toàn mới, bạn chỉ cần chỉnh sửa các chi tiết trên nền tảng chương trình có sẵn.

Một ví dụ khác về tài sản thời gian là các phần Câu hỏi thường gặp (FAQs) mà chúng ta thường thấy trên các website. Những câu hỏi này giúp người đọc có thể tự tìm hiểu trước khi phải nhắn tin để hỏi về các thông tin cần thiết, do đó giúp tiết kiệm được cả thời gian cho doanh nghiệp cũng như khách hàng của họ.
Một biểu mẫu cũng là một hình thức biểu hiện của tài sản thời gian, ở đó có tất cả các câu hỏi mà người thu thập thông tin muốn hỏi, và thông tin sẽ được tự động đưa vào bảng, giúp người thu thập thông tin có thể quản lý các thông tin nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Trái ngược với tài sản thời gian là khoản nợ thời gian. Một khoản nợ thời gian mà hầu hết mọi người hay mắc phải đó là làm việc không hiệu quả. Ví dụ như một lập trình viên làm việc cẩu thả, viết ra một chương trình kém chất lượng, thì sớm muộn gì người lập trình viên này cũng phải tự sửa lại chương trình của mình.
Bạn viết bài luận sơ sài, bài luận đó sẽ không được chấp nhận và bạn lại phải bắt tay làm lại từ đầu. Mỗi một công việc hoàn thành không đảm bảo chất lượng đều sẽ là một khoản nợ thời gian mà bạn chắc chắn phải trả nợ sau này. Do đó, hãy làm việc một cách cẩn trọng và hoàn thành nhiệm vụ với hiệu quả cao nhất.
Tài sản thời gian hay khoản nợ thời gian, điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào bản thân bạn. Hy vọng câu chuyện của Steve Jobs và bài học quản lý thời gian đã giúp bạn có một định hướng cụ thể về cách quản lý thời gian của bản thân mình.
Lời kết
Vậy là bài viết gần 6000 từ này Thủy đã tóm tắt cho mọi người biết Steve Jobs là ai? cuộc đời Steve Jobs và những bài học của ông. Hy vọng rằng chúng sẽ cho bạn nhiều nguồn cảm hứng, và tìm ra con đường riêng để phát triển sự nghiệp.
Bạn thấy Steve Jobs là người như thế nào? Hãy chia sẻ những suy nghĩ của bạn ở bên dưới phần bình luận nhé.
[…] Steve Jobs là ai? 5 BÀI HỌC lớn từ cuộc đời Steve Jobs […]